Những lưu ý để hạn chế rủi ro trong giao dịch đặt cọc

Những lưu ý để hạn chế rủi ro trong giao dịch đặt cọc?

Có thể thấy việc không nắm rõ bản chất và cơ chế của giao dịch đặt cọc đang tạo ra những cách hiểu sai, những lầm tưởng, do vậy thường không nhận định đúng căn nguyên dẫn đến rủi ro từ giao dịch này, thậm chí tạo cơ hội cho các hành vi lừa đảo.

Để hạn chế rủi ro từ các giao dịch đặt cọc, cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Đối với bên đặt cọc:

Thứ nhất: Cân nhắc kỹ lý do sử dụng biện pháp này. Chỉ đặt cọc khi có một lý do thực sự thuyết phục, chính đáng và chấp nhận rằng kể cả có xác suất rủi ro nhất định thì vẫn phải tiến hành.

Thứ hai: Sử dụng biện pháp bảo đảm bổ sung hoặc cơ chế bảo đảm để chắc chắn rằng bên nhận cọc có thể trả lại tiền cọc và cả tiền phạt cọc nếu họ không thực hiện nghĩa vụ. Đặc biệt nếu giá trị đặt cọc lớn thì đây là yếu tố quyết định để bảo đảm an toàn cho giao dịch đặt cọc. Một số biện pháp bảo đảm bổ sung có thể sử dụng như yêu cầu bên nhận cọc phải ký quỹ, thế chấp, phải có bảo lãnh hoặc là giao giấy tờ hoặc tài sản cho một bên trung gian thứ ba nắm giữ.

Thứ ba: Tìm hiểu kỹ về bên nhận đặt cọc, đặc biệt là khi không có biện pháp bảo đảm bổ sung. Không nên đặt cọc với số tiền lớn khi không có biện pháp bảo đảm bổ sung.

Thứ tư: Thận trọng tối đa và tìm hiểu thật kỹ thông tin trong trường hợp giao dịch với bên nhận đặt cọc qua ủy quyền. Một số trường hợp người nhận ủy quyền đặt cọc nhận tiền của nhiều người rồi bỏ trốn mà chính người ủy quyền cũng không biết.

Thứ năm: Đàm phán rõ ràng về các điều khoản của hợp đồng mà hai bên sẽ giao kết. Tránh việc đến lúc ký hợp đồng thì không thống nhất được rồi các bên không xác định được lỗi của ai.

Thứ sáu: Để tránh trường hợp bên nhận đặt cọc phá cọc rồi đổ lỗi cho bên đặt cọc thông qua biện pháp gây khó khăn, câu giờ cho hết thời hạn đặt cọc thì thời hạn đặt cọc cần quy định chi tiết đến từng giờ, từng phút. Cần quy định một khoảng thời gian nhất định để hai bên có thể khiếu nại, chứng minh lỗi không thuộc về mình.

  • Đối với bên nhận cọc:

Thứ nhất: Vướng mắc phổ biến nhất mà bên nhận cọc gặp phải là khi hợp đồng đặt cọc được công chứng mà bên đặt cọc chấp nhận phá cọc, cắt liên lạc. Hợp đồng đặt cọc thiếu rõ ràng trong việc xác định lỗi làm cho công chứng viên không thể xác định được hợp đồng cọc bị vi phạm do lỗi của bên nào. Vì sự thận trọng, giao dịch mua bán tiếp theo của chủ tài sản sẽ bị nhiều công chứng viên từ chối công chứng. Để khắc phục tình trạng này, cần quy định cách thức xác định lỗi của mỗi bên khi hợp đồng cọc quá hạn.

Thứ hai: Thận trọng tối đa khi ủy quyền cho người khác nhận đặt cọc, bởi rất có thể những sai sót, vi phạm của người nhận ủy quyền sẽ làm phát sinh trách nhiệm của người ủy quyền. Người nhận ủy quyền gian dối, lừa đảo thì người bị thiệt hại hoàn toàn có thể khởi kiện người ủy quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Việc ủy quyền nhận đặt cọc diễn ra khá phổ biến trong trường hợp ký gửi mua bán tài sản và đã gây ra những thiệt hại không nhỏ cho các chủ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.