THỜI HIỆU KHỞI KIỆN CHIA DI SẢN THỪA KẾ LÀ BẤT ĐỘNG SẢN

Vừa qua, có rất nhiều khách hàng gửi câu hỏi đến Website: trungtamphaply.vn và luatsuquangngai.net của Công ty Luật TNHH MTV Miền Trung để yêu cầu tư vấn và giải đáp các thắc mắc về thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế.

Nay, Công ty Luật TNHH MTV Miền Trung tư vấn cho quý khách hàng về thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế như sau:

Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017) thì thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế.

 “Điều 623. Thời hiệu thừa kế

  1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. ….”

Và theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015, đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật Dân sự này có hiệu lực thì thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này. Như vậy, kể từ ngày Bộ luật dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, Tòa án áp dụng quy định tại Điều 623 Bộ luật dân sự 2015 để xác định thời hiệu đối với trường hợp mở thừa kế trước ngày 01/01/2017.

Tại Khoản 4 Điều 36 Pháp lệnh thừa kế ngày 30/8/1990 quy định:

Điều 36 Pháp lệnh thừa kế ngày 30/8/1990 quy định:

“Điều 36: Thời hiệu khởi kiện về thừa kế

1- Trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế, người thừa kế có quyền khởi kiện để yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác.

2- Trong thời hạn ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại, thanh toán các khoản chi từ di sản.

3- Trong trường hợp do trở ngại khách quan mà không thể thực hiện được quyền khởi kiện trong thời hạn quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này thì thời gian bị trở ngại khách quan không tính vào thời hiệu khởi kiện.

4- Đối với các việc thừa kế đã mở trước ngày ban hành Pháp lệnh này thì thời hạn quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này được tính từ ngày công bố Pháp lệnh này.”

Vậy, thời điểm mở thừa kế của người để lại di sản chết trước ngày 10/9/1990 sẽ được tính từ ngày 10/9/1990 (tức là thởi điểm công bố Pháp lệnh thừa kế), như vậy, căn cứ các quy định nêu trên thì đến ngày 10/9/2020 mới hết thời hiệu mở thừa kế nên trước ngày 10/9/2020, Tòa án phải chia thừa kế với mọi thời điểm mở thừa kế.

Để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, ngày 5/01/2018 Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành Giải đáp số 01/GĐ-TANDTC nêu cụ thể vấn đề này như sau:

I. VỀ DÂN SỰ

Trường hợp người để lại di sản thừa kế chết trước năm 1987 mà hiện nay Tòa án mới thụ lý, giải quyết tranh chấp thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được xác định như thế nào?

Kể từ ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015, khoản 4 Điều 4 Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30-6-2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25-11-2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự và Nghị quyết số 104/2015/QH13 ngày 25-11-2015 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tố tụng hành chính thì từ ngày 01-01-2017, Tòa án áp dụng khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 về thời hiệu thừa kế để thụ lý, giải quyết vụ án dân sự “Tranh chấp về thừa kế tài sản”. Theo đó, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm mở thừa kế.

Đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 10-9-1990 thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19-10-1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế, cụ thể là: thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10-9-1990.

Khi xác định thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế mà thời điểm mở thừa kế trước ngày 01-7-1991 và di sản là nhà ở thì thời gian từ ngày 01-7-1996 đến ngày 01-01-1999 không tính vào thời hiệu khởi kiện đối với trường hợp thừa kế không có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia; thời gian từ ngày 01-7-1996 đến ngày 01-9-2006 không tính vào thời hiệu khởi kiện đối với trường hợp thừa kế có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia.”

Quy định này, một lần nữa đã được Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn bán án, tổng kết và phát triển thành án lệ để áp dụng trong xét xử. Cụ thể là Án lệ số 26/2018/AL về xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu và thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là bất động sản (được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17/10/2018 và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06/11/2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao).

Như vậy, đến hết ngày 10/9/2020 các trường hợp người để lại di sản thừa kế chết trước ngày 10/9/1990 sẽ hết thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản và di sản thừa kế đó sẽ thuộc về người đang quản lý tài sản.

Chính vì vậy, Quý khách hàng có vấn đề pháp lý liên quan đến thừa kế di sản cần nhanh chóng tìm hiểu và nhờ sự tư vấn của Luật sư để bảo vệ được tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật TNHH MTV Miền Trung, hy vọng rằng với nội dung tư vấn nêu trên sẽ giúp Qúy khách hàng nhanh chóng tìm được hướng giải quyết hồ sơ của gia đình mình. Công ty luôn tận tình và sẵn sàng tư vấn mọi thắc mắc, câu hỏi liên quan đến vấn đề pháp lý của Qúy khách hàng.

———————————-

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.