Xe tải bị đứt phanh gây tai nạn giao thông thì chủ xe có phải bồi thường thiệt hại?

Trả lời: Theo Bộ luật Dân sự 2015 và Luật giao thông đường bộ 2008 thì xe tải chính là một nguồn nguy hiểm cao độ và việc bồi thường do xe bị đứt phanh gây tai nạn giao thông được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:

Điều 601 BLDS 2015 quy định:

“1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.
2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:
a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.
Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.”

Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là một trong những trường hợp bồi thường đặc biệt: dựa vào nguyên tắc nếu có thiệt hại xảy ra thì phải bồi thường mặc dù lỗi ở đây do tự thân nguồn nguy hiểm cao độ gây ra và chủ sở hữu hoặc người chiếm dụng nguồn nguy hiểm cao độ không có lỗi nhưng pháp luật vẫn buộc họ phải có trách nhiệm bồi thường. Vì vậy, trừ các trường hợp hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại hoặc lý do bất khả kháng, tình thế cấp thiết,… thì chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại.

Khi nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật (bị trộm, cướp, tự ý sử dụng không có sự đồng ý của chủ sở hữu) thì người đang chiếm hữu, sử dụng phải bồi thường thiệt hại và nếu chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Kết luận: Trong trường hợp trên, cần phải xác định thêm lý do khiến phanh của chiếc xe tải bị đứt thì mới xác định được có phải bồi thường thiệt hại hay không. Nếu thuộc các trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì không cần phải bồi thường. Nếu phanh xe tự đứt gây tai nạn thì phải bồi thường thiệt hại.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.