Cố ý tố giác, báo tin giả về tội phạm bị xử lý như thế nào?

Để hạn chế việc tùy tiện tố giác, báo tin giả về tội phạm thì pháp luật đã quy định những hình thức xử lý về hành vi này. Vậy những hình thức xử lý đó là gì?Người có hành vi cố ý tố giác, báo tin giả về tội phạm thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự và có thể phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại do hành vi cố ý tố giác, báo tin giả. Cụ thể:

  1. Cố ý tố giác, báo tin giả về tội phạm có thể bị phạt đến 07 năm tù

Người nào bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống được quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt cao nhất lên đến 07 năm tù.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

  1. Cố ý tố giác, báo tin giả có thể bị phạt đến 6 triệu đồng

Theo điểm c khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Như vậy, đối với hành vi cố ý tố giác, báo tin giả thì cá nhân có thể bị phạt đến 3 triệu đồng, tổ chức có thể bị phạt đến 6 triệu đồng.

  1. Cán bộ, công chức, viên chức cố ý tố giác, báo tin giả về tội phạm có thể bị xử lý kỷ luật

Theo Điều 23 Nghị định 31/2019/NĐ-CP quy định cán bộ, công chức, viên chức biết rõ việc tố cáo là không đúng sự thật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, cán bộ, công chức, viên chức cố ý tố giác, báo tin giả về tội phạm thì có thể bị xử lý kỷ luật nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

  1. Người cố ý tố giác, báo tin giả về tội phạm có thể phải bồi thường thiệt hại cho người bị tố giác, báo tin giả

– Theo quy định tại khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 thì người có hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan quy định khác.

Như vậy, người cố ý tố giác, báo tin giả về tội phạm mà xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị tố giác, báo tin giả thì có thể phải bồi thường nếu người bị thiệt hại có yêu cầu.

Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

– Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

– Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

– Thiệt hại khác do luật quy định.

Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường các thiệt hại trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở.

=> Qua đó, mỗi cá nhận khi tố giác, báo tin cần xác thực thông tin để báo cáo đúng sự thật, đúng người đúng tội để tránh tình trạng gây hiểu lầm, thiệt hại không đáng có, vi phạm  vào quy đinh của pháp luật.

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.