Doanh nghiệp có bắt buộc phải thành lập công đoàn không

Công đoàn là tổ chức đại diện cho một tập thể người lao động trong công ty, có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Vậy doanh nghiệp có bắt buộc phải thành lập công đoàn hay không?

1. Có bắt buộc thành lập công đoàn tại doanh nghiệp không?

Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp công nhân và người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là nơi đại diện cho công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Căn cứ vào Điều 10 Luật Công đoàn 2012 quy định công đoàn có quyền và trách nhiệm như sau:

  • Hướng dẫn, tư vấn cho người lao động về quyền, nghĩa vụ của người lao động khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với đơn vị sử dụng lao động.
  • Đại diện cho tập thể người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thoả ước lao động tập thể.
  • Tham gia với đơn vị sử dụng lao động xây dựng và giám sát việc thực hiện thang, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động.
  • Đối thoại với đơn vị sử dụng lao động để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động.
  • Tổ chức hoạt động tư vấn pháp luật cho người lao động.
  • Tham gia với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động.
  • Kiến nghị với tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động hoặc của người lao động bị xâm phạm.
  • Đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện tại Toà án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động bị xâm phạm; đại diện cho người lao động khởi kiện tại Toà án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động bị xâm phạm và được người lao động uỷ quyền.
  • Đại diện cho tập thể người lao động tham gia tố tụng trong vụ án lao động, hành chính, phá sản doanh nghiệp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động và người lao động.
  • Tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định của pháp luật.

Vì vậy, công đoàn được khuyến khích thành lập mà luật không có quy định bắt buộc. Nếu công đoàn được thành lập tại doanh nghiệp sẽ là công đoàn cơ sở, được công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở công nhận theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Trường hợp doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở thì công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có quyền và trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động khi được người lao động ở đó yêu cầu.

2. Trách nhiệm của DN đối với việc tham gia công đoàn

Theo quy định pháp luật, doanh nghiệp có trách nhiệm:

  • Tạo điều kiện và hỗ trợ người lao động thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn
  • Phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho công đoàn cấp trên cơ sở tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức.
  • Bảo đảm các điều kiện để công đoàn cơ sở hoạt động.
  • Khi người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ công đoàn mà hết hạn hợp đồng lao động thì được gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ.- Khi người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, chuyển làm công việc khác, kỷ luật sa thải đối với người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách thì phải thỏa thuận bằng văn bản với Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành cấp trên trực tiếp cơ sở.

Ngoài ra, các hành vi bị nghiêm cấm đối với doanh nghiệp liên quan đến việc thành lập, gia nhập công đoàn được quy định cụ thể tại Điều 175 Bộ luật lao động 2019:

Phân biệt đối xử đối với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động tổ chức đại diện người lao động, bao gồm:

  • Yêu cầu tham gia, không tham gia hoặc ra khỏi tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để được tuyển dụng, giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động;
  • Sa thải, kỷ luật, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, không tiếp tục giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động, chuyển người lao động làm công việc khác;
  • Phân biệt đối xử về tiền lương, thời giờ làm việc, các quyền và nghĩa vụ khác trong quan hệ lao động;
  • Cản trở, gây khó khăn liên quan đến công việc nhằm làm suy yếu hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Can thiệp, thao túng quá trình thành lập, bầu cử, xây dựng kế hoạch công tác và tổ chức thực hiện các hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, bao gồm cả việc hỗ trợ tài chính hoặc các biện pháp kinh tế khác nhằm làm vô hiệu hóa hoặc suy yếu việc thực hiện chức năng đại diện của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở hoặc phân biệt đối xử giữa các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

CCPL: Bộ Luật lao động 2019

Luật Công đoàn 2012

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.